Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Phiên họp thứ 3 của Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số

Thứ năm - 29/09/2022 09:46 100 0
Sáng 8/8/2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ ba của Ủy ban. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cổng Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Phiên họp.
20220809 pg12 BT
20220809 pg12 BT

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số,

Kính thưa các đồng chí Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Trung ương và Địa phương,

Kính thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,

Tôi xin phép phát biểu một số ý sau.

Thứ nhất, chuyển đổi số thì tiền hô, hậu ủng. Uỷ ban chuyển đổi số các cấp, từ Trung ương đến địa phương, là người hô. Hậu ủng thì phải đến cấp thấp nhất, tức là cấp gần người dân nhất. Đó là các tổ cộng nghệ số cộng đồng, được thành lập ở từng thôn, bản, với nòng cốt là thanh niên, để đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn đến từng người dân sử dụng các nền tảng số. Đã có 40.000 tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập, đã có 200.000 thành viên các tổ công nghệ này đang được đào tạo kỹ năng số. Đây là cách tiếp cận toàn dân về chuyển đổi số của Việt Nam. Tổ công nghệ số cộng đồng được lấy cảm hứng từ tổ COVID cộng đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có hướng dẫn về hoạt động của các tổ công nghệ này, đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo và coi đây là nhân tố quyết định thành công. Bởi vì, chính các tổ công nghệ số cộng đồng này sẽ tạo ra các công dân số, công dân số thì tạo ra xã hội số, xã hội số thì tạo ra nhu cầu số, nhu cầu số thì tạo ra thị trường số, thị trường số thì tạo ra doanh nghiệp số, và từ đó hình thành nền kinh tế số.

Thứ hai, chuyển đổi số thì phải dọc, ngang thông suốt. Dọc thông suốt là chuyển đổi số ngành. Các bộ ngành phải chuyển đổi số ngành mình thì mới tạo ra chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số ngành, mà cụ thể là phát triển các nền tảng số ngành, được coi là một giải pháp có tính đột phá trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Vừa qua, Bộ Công an, ngành Tài chính, ngành Ngân hàng chuyển đổi số mạnh mẽ đã tạo cú huých cho chuyển đổi số quốc gia. Rất cần các bộ ngành khác mạnh mẽ hơn nữa, mạnh mẽ như vậy. Mọi bộ ngành phải cùng vào cuộc thật mạnh mẽ, thật quyết liệt thì mới có chuyển đổi số quốc gia. Ngang thông suốt là kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan điều phối, hỗ trợ kết nối. Các bộ ngành, địa phương có vấn đề về liên thông dữ liệu thì liên hệ ngay với Bộ Thông tin và Truyền thông. Dữ liệu mà các bộ ngành và địa phương đang lưu trữ là do phân công của Chính phủ, chỉ có dữ liệu của Chính phủ chứ không có dữ liệu của bộ này hay địa phương kia. Kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu là quyền của Chính phủ. Không có cát cứ dữ liệu.

Thứ ba, chuyển đổi số thì phải toàn diện. Chuyển đổi số là chuyển từ cách làm từng phần sang làm toàn diện. Ứng dụng CNTT thì chỗ làm, chỗ không, cái làm cái không. Phòng kế toán có thể làm nhưng phòng tổ chức cán bộ thì chưa làm. Phòng kế toán làm nhưng mới làm phần kế toán chi phí, mà chưa làm phần khai thuế. Như vậy là trong một tổ chức, tồn tại cái trên máy tính, cái trên giấy, cái trong đầu người. Không có cái nào phản ánh toàn diện, và cuối cùng bản giấy vẫn là quyết định, làm cho CNTT trở thành một gánh nặng tăng thêm, vẫn máy tính và vẫn giấy. Chuyển đổi số thì là toàn diện, mọi nơi, mọi chỗ, không còn cái gọi là nửa này, nửa kia. Chỉ có một môi trường số. Mọi việc sẽ diễn ra trên môi trường số. Công việc của mỗi người mà rời máy tính ra là không làm được. Và chỉ khi này thì công nghệ số mới phát huy hiệu quả.

Thứ tư, chuyển đổi số thì nên có một công thức chung. Đó là chuyển đổi số thì bằng CNTT + Số hoá toàn diện + Dữ liệu + Đổi mới sáng tạo + Công nghệ số. Chuyển đổi số thì vẫn phải kế thừa quá khứ là CNTT, nhưng mở ra tương lai là số hoá toàn diện, đưa mọi hoạt động lên môi trường số, xử lý dữ liệu để tạo ra giá trị mới, dùng công nghệ số để thay đổi cách vận hành. Đổi mới sáng tạo thì chủ yếu là thay đổi mô hình, thay đổi cách vận hành của tổ chức, thay đổi cách làm và điều này cơ bản chỉ diễn ra sau khi chúng ta chuyển lên môi trường số. Việt Nam chúng ta thì tính đa dạng, vùng miền rất cao, sự tuỳ biến theo bộ ngành, địa phương là cần thiết, tạo thành sự sáng tạo phong phú và thúc đẩy nhau, nhưng vẫn phải dựa trên một công thức tổng quát. Nếu không như vậy thì sự đa dạng sẽ không dẫn đến một kết quả chung quốc gia. Sẽ chỉ có sự đa dạng mà không có Việt Nam.

Thứ năm, chuyển đổi số nay đã nhà nhà làm, mọi ngành, mọi cấp đều làm, do vậy phải phải tránh được các tai nạn. Nhất là các tai nạn về đầu tư, mua sắm. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản hướng dẫn lần 1. Trong quí này, dựa trên các vấn đề phát sinh mới, Bộ sẽ có tiếp một hướng dẫn nữa. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho sửa Nghị định 73/2019/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn. Các dự án chuyển đổi số của cơ quan nhà nước sẽ được công khai trên trang web. Một số giá cơ sở sẽ được công bố. Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích các doanh nghiệp công bố công khai giá bán các sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số cho các cơ quan nhà nước, và giá này cũng được cập nhật trên trang web. Các bộ ngành và địa phương tham khảo trang web này của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thứ sáu, chuyển đổi số muốn thúc đẩy được thì phải đo lường được. Cái gì mà không đo lường được thì không quản lý được, không thúc đẩy được. Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực của Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số, đã đặc biệt quan tâm đến việc ban hành các tiêu chí và thực hiện đo lường. Đo lường thời chuyển đổi số phải là đo lường tự động, đo lường online. Tức là phải kết nối vào hệ thống của các bộ ngành và địa phương. Rất nhiều số liệu hôm nay công bố là số liệu từ hệ thống báo cáo tự động, chứ không phải là từ các báo cáo giấy. Đo lường, giám sát online, cảnh báo kịp thời sẽ góp phần làm thay đổi căn bản quản lý nhà nước. Kết nối online để phục vụ quản lý nhà nước sau này sẽ là một điều kiện bắt buộc đối với các đối tượng quản lý. Trước mắt, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số chỉ thị các cơ quan nhà nước kết nối online để phục vụ công tác giám sát, báo cáo.

Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban và tất cả các đồng chí. 

Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

 

BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay128
  • Tháng hiện tại1,807
  • Tổng lượt truy cập63,973
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây