Khi nhà nông sáng tạo

Thứ ba - 27/12/2022 16:31 112 0
Hội thi Sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định năm 2022 và Cuộc thi Nông dân khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bình Định lần thứ I - năm 2022 do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở KH&CN tổ chức đã giới thiệu nhiều giải pháp, ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu, khả thi.
Khi nhà nông sáng tạo

 Bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đánh giá: “11 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định năm 2022 được đầu tư công phu, sáng tạo; trong đó có những giải pháp đơn giản nhưng thiết thực. Một số giải pháp tuy không phải là sáng kiến hoàn toàn mới, song từ nhu cầu thực tế trong lao động sản xuất, hội viên nông dân đã phát huy tính sáng tạo, sử dụng phế liệu trong sinh hoạt hằng ngày, nghiên cứu, cải tiến các phế phẩm đó để trở thành những sản phẩm hữu ích phục vụ sản xuất, giảm chi phí về vật tư, công lao động, tăng hiệu quả kinh tế gia đình”.

Có thể kể đến các giải pháp: “Cải tiến máy trỉa đậu phụng một hàng thành hai hàng” của ông Huỳnh Tiễn, ở thôn Tân Thanh, xã Cát Hải (huyện Phù Cát); “Cải tiến máy cắt lúa cầm tay thành máy tát nước” của ông Đặng Ngọc Vinh, ở khu phố Dương Liễu Tây, thị trấn Bình Dương và “Hệ thống sục khí nuôi thủy sản” của ông Nguyễn Văn Cu, ở thôn Hòa Tân, xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ). Tiêu biểu nhất là giải pháp đoạt giải nhất: “Cải tiến vị trí lắp đặt điện trở đun nước máy tráng bánh tráng” của ông Trần Quốc Thông, ở thôn Quảng Nghiệp, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước).
 

Chia sẻ về giải pháp này, ông Thông cho biết, năm 2014 ông đầu tư khoảng 220 triệu đồng mua mới một máy tráng bánh có chiều dài 3 m. Cấu kiện chiếc máy có bộ phận lò hơi được nhà sản xuất lắp đặt 6 điện trở tại một vị trí. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, ông nhận thấy việc bố trí điện trở như vậy không hợp lý, nên bánh tráng thường bị nhão, hoặc chín không đều, nguội, khiến bánh không thơm, ngon. Do vậy, đầu năm 2015, ông bắt đầu nghiên cứu, tìm tòi và cải tiến máy. Phương án ông đưa ra là mắc 9 điện trở rải đều trên 9 thanh đồng, thay vì lắp 6 điện trở tại một chỗ như nhà sản xuất làm.

Theo sáng kiến này, độ dài chiếc máy từ 3 m cải tiến lên 6 m. Ngoài ra, ông còn cải tiến thiết bị mô tơ đều tốc, tủ điện được lắp trên máy. Kết quả, máy cho tốc độ tráng bánh nhanh hơn trước từ 4 - 5 lần, tiết kiệm điện, năng suất cao hơn, tăng thu nhập cho gia đình so với trước.

“Với máy cũ chưa cải tiến thì 200 kg bột gạo phải mất 4 - 5 giờ đồng hồ mới tráng xong. Còn sau cải tiến chỉ cần 1 giờ là xong công việc. Bánh tráng lại chín đều, thơm ngon hơn”, ông Thông vui mừng cho biết, đồng thời khẳng định sau 7 năm cải tiến, vận hành, máy tráng bánh tráng đang hoạt động rất ổn định.

Tương tự, Cuộc thi Nông dân khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bình Định lần thứ I - năm 2022 đã chọn 11 ý tưởng/dự án tiêu biểu, độc đáo, sáng tạo, tính khả thi cao thuộc nhiều lĩnh vực, như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… để trao giải. Kết quả, dự án “Ươm trồng sản xuất cây con và chế biến sâm bố chính, trà sâm, rượu sâm” của tác giả Trần Minh Tâm (ở phường Bình Định, TX An Nhơn) được trao giải nhất. Nhận xét về dự án này, bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở KH&CN, cho hay: “Tác giả đã lên kế hoạch triển khai dự án khá chi tiết. Sản phẩm của dự án là ươm trồng và sản xuất cây sâm con, củ sâm, rượu sâm, trà sâm tổng hợp đã hình thành, mang tính khả thi cao, bắt đầu đi vào sản xuất ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương”.

Ông Trần Minh Tâm chia sẻ: Đầu năm 2021, ông được người quen tặng 7 cây sâm bố chính giống từ tỉnh Quảng Bình trồng thử. Nhận thấy giống sâm này dễ trồng, lại có tiềm năng trên thị trường, ông nảy ý tưởng lên mạng tìm hiểu và bỏ vốn đầu tư. Đến nay, ông trồng được 14.000 cây trên diện tích 7.000 m2, với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng. Diện tích này chuẩn bị thu hoạch, dự kiến thu lãi khoảng 400 - 500 triệu đồng.

“Thời gian đến, tôi phấn đấu xây dựng nhà vườn trồng sâm bố chính có quy mô 10 ha, tạo việc làm cho 60 lao động với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở cũng sẵn sàng cung cấp cây giống cho bà con muốn liên kết cùng trồng và chuyển giao công nghệ. Ngoài củ sâm ra còn có thể dùng hoa và lá làm trà sâm, chế biến mỹ phẩm”, ông Tâm cho biết thêm.

Mô hình “Chăn nuôi khép kín gà - phân gà - trùng quế” của ông Lưu Đình Duy, ở thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) và mô hình “Trồng cây trà dung, vốn ít, dễ trồng, hiệu quả cao” của ông Nguyễn Cảnh Duy, ở thôn Tăng Lợi, xã Canh Vinh (huyện Vân Canh) cũng là những dự án khởi nghiệp xuất sắc, xứng đáng nhận sự hỗ trợ từ các cơ quan hữu quan, tạo điều kiện để chủ dự án hoàn thiện mô hình kinh doanh, tăng doanh số.

Nhằm tìm kiếm, phát hiện các ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc để hỗ trợ, phát triển, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, bà Lê Thị Thanh Hương cho hay: “Hội Nông dân tỉnh, Sở KH&CN thống nhất tiếp tục phát động Hội thi Sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định năm 2023 và Cuộc thi Nông dân khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bình Định lần thứ II - năm 2023 trên toàn tỉnh”.

TRỌNG LỢI

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay57
  • Tháng hiện tại739
  • Tổng lượt truy cập59,716
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây